So sánh Dedicated và Cloud Server: 5 đặc điểm khác nhau

Một ngày, bạn được giao nhiệm vụ tìm kiếm một nền tảng lưu trữ mới cho trang web hoặc máy chủ chạy các ứng dụng của công ty, điều này không dễ dàng chút nào. Máy chủ chuyên dụng dùng riêng – Dedicated Server hay Máy chủ trên đám mây – Cloud Server là hai tùy chọn phổ biến nhất hiện nay.

Câu hỏi tiếp theo: Làm thế nào để bạn quyết định cái nào tốt hơn cho ứng dụng hoặc mô hình kinh doanh cụ thể của bạn. Trong bài viết này, chúng tôi so sánh năm yếu tố chính cần xem xét khi chọn một máy chủ.

Dedicated Server và Cloud Server (hoặc Virtual Private Server) đều thực hiện các chức năng cơ bản tương tự như nhau: Nhận yêu cầu, xử lý và sau đó trả lại thông tin đó cho người dùng. Sự khác nhau cơ bản là quy trình xử lý tác vụ, trải nghiệm người dùng và mức độ sẵn sàng, tự chủ của hệ thống.

Dưới đây là 5 đặc điểm khác nhau một cách cơ bản và rõ ràng nhất giữa Dedicated Server và Cloud Server

1. Hiệu suất

Tốc độ truyền dữ liệu

Dedicated Server thường lưu trữ và xử lý dữ liệu cục bộ. Do sự gần gũi tương đối giữa các thành phần CPU, RAM, HDD hay thậm chí các cổng giao tiếp, khi một yêu cầu được thực hiện, có rất ít sự chậm trễ trong việc truy xuất và xử lý thông tin. Điều này mang lại cho các máy chủ chuyên dụng tốc độ tính toán đôi khi tính bằng mili giây và micro giây.

Cloud Server (là máy chủ ảo được tạo ra từ các máy chủ vật lý dựa trên một (hoặc nhiều) công nghệ ảo hóa – hypervisor platform) cần phải truy cập dữ liệu từ SAN. Một khi dữ liệu được trả về, nó vẫn phải được phân bổ (bởi Hypervisor platform) đến bộ xử lý căn cứ vào năng lực tính toán được cấp phát trước đó. Điều này dẫn đến có độ trễ nhất định trong các Workloads. Và đôi khi, nó phụ thuộc nhiều vào Hypervisor Platform và cả môi trường kết nối từ các port mạng.

Xử lý

Các Cloud Server thường được hosting trên một máy chủ vật lý, do sự điều phối của công nghệ ảo hóa tạo nên chúng. Kết quả là, bộ xử lý trung tâm (CPU) cần được quản lý hiệu quả để tránh suy giảm hiệu suất. Việc quản lý bộ xử lý này được thực hiện bởi Hypervisor. Bất kỳ yêu cầu nào cũng phải được lên lịch và được xếp vào hàng để được thực hiện.

Các máy chủ chuyên dụng, có bộ vi xử lý dành riêng, thậm chí là chuyên dụng cho các ứng dụng được cài đặt trên máy chủ. Nó không cần phải xếp hàng yêu cầu trừ khi tất cả sức mạnh xử lý đang được sử dụng. Do đó, các IT ở doanh nghiệp vẫn ưu tiên chọn Dedicated Server cho các tác vụ chuyên sâu của CPU, trong khi kết hợp sử dụng Cloud Server cho các tác vụ khác.

Mạng

Cloud Server linh hoạt và khả năng mở rộng nâng cao do lưu trữ dữ liệu phi tập trung và tính chất chia sẻ tài nguyên của chúng, đặc biệt là cấu hình mạng. Cấu hình mạng (IP), điều chỉnh băng thông cho từng Cloud Server luôn là vấn đề làm đau đầu các nhà cung cấp dịch vụ Cloud Server do việc triển khai, quản lý rất tốn kém và phức tạp.

Dedicated Server thì không như vậy, không có nguy cơ bị điều chỉnh do môi trường chia sẻ gây ra. Việc quản lý và cấu hình mạng cũng đơn giản hơn, và do đó, các IT sẽ chủ động hơn trong công việc của mình.

2. Khả năng mở rộng

Lưu trữ

Việc mở rộng lưu trữ trên Cloud Server hầu như vô hạn, miễn là bạn có đủ ngân sách để chi trả. Đặc biệt, bạn có thể co dãn dung lượng lưu trữ của mình mà không xảy ra thời gian gián đoạn dịch vụ.

Ngược lại, dung lượng lưu trữ của Dedicated Server luôn bị giới hạn do số lượng ổ đĩa thực tế có sẵn trên máy chủ. Về lý thuyết bạn có thể bổ sung thêm ổ cứng mà không off server. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào card raid, pin và cả việc cấu hình máy chủ. Nói chung bạn phải chấp nhận gián đoạn các tác vụ trong một thời gian nhất định.

3. Chuyển đổi

Tài nguyên của Cloud Server có thể được cấp phát ngay lập tức, đáp ứng cho nhu cầu chuyển đổi, tăng/ giảm năng lực tính toán. Tuy nhiên, để đáp ứng các nhu cầu mở rộng đột biến thì bắt buộc phải có quy hoạch trước, kết hợp nhiều đám mây (Multi Cloud) hoặc thậm chí phải chuyển sang các đám mây dùng riêng (Private Cloud).

Với Dedicated Server, việc chuyển đổi hay tích hợp sẽ có nhiều hạn chế hơn như thế, vì mọi thứ đã được “đóng gói” theo đúng nghĩa đen của nó.

Thời gian gián đoạn dịch vụ luôn là vấn đề làm đau đầu các IT Man. Migration liền mạch có thể đạt được trong cả hai trường hợp; tuy nhiên, nó đòi hỏi một sự đầu tư đáng kể về con người, thời gian và tiền bạc.

4. Hệ thống quản trị / sự khác biệt hoạt động

Lập kế hoạch và vận hành Cloud Server có ý nghĩa khác biệt đáng kể so với Dedicated Server. Các máy chủ đám mây cho phép bạn tập trung vào các ứng dụng mà bạn cần. Bạn sẽ được tận dụng các giải pháp tự động hóa và tối ưu hóa việc sử dụng máy chủ của bạn một cách hiệu quả nhất mà không cần quan tâm đến hệ thống phần cứng, phần mềm, mạng.

Dedicated Server thường đòi hỏi một sự hiểu biết rộng hơn về quản trị hệ thống. Nếu muốn mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cấp và bảo trì … bạn cần phải lập kế hoạch cẩn thận để giảm thiểu rủi ro mất mát dữ liệu, ngăn chặn thời gian gián đoạn hệ thống ở mức tối thiểu.

5. Giá

Nhìn ở nhiều khía cạnh thì có thể nói Cloud Server hay Dedicated Server không quá nhiều sự khác biệt về giá cả. Giao diện quản lý chuyên nghiệp từ các Cloud Server có thể là một lựa chọn có giá trị, mặc dù đắt tiền. Ngược lại, các Dedicated Server có thể được gắn liền với vô số tùy chọn phần cứng khác cũng sẽ làm tăng chi phí.

Cloud Server nói chung sẽ có lợi thế về chi phí  đầu tư ban đầu, nhưng có xu hướng tăng chi phí theo quy mô. Trong khi đó, Dedicated Server sẽ có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, nhưng cung cấp quy mô lớn đáng tin cậy hơn và tiết kiệm chi phí khi nhu cầu tăng lên về sau. Đặc biệt, với các mô hình kinh doanh hiện nay, bạn cũng có thể thuê dịch vụ Dedicated Server theo hàng tháng để giảm chi phí đầu tư ban đầu, tối ưu chi phí hoạt động cho bộ phận IT.

Phần kết luận

Cả hai máy chủ chuyên dụng và máy chủ đám mây đều nhận được yêu cầu, xử lý các yêu cầu đó và trả lại thông tin cho người dùng. Sự khác biệt về vật lý giữa hai máy chủ ảnh hưởng đến cách chúng xử lý các yêu cầu đó. Trong khi các máy chủ chuyên dụng (Dedicated Server) vượt trội với hiệu năng, các máy chủ đám mây (Cloud Server) được chứng minh là có khả năng mở rộng hơn.

Sức mạnh của một máy chủ chuyên dụng cần được khéo léo nắm giữ và kiểm soát để tận dụng lợi thế của nó, trong khi một máy chủ đám mây cung cấp sự linh hoạt hơn trong việc sử dụng nó và có thể hiệu quả về chi phí hơn.